Chế độ chính sách Văn hóa- Xã hội
Một niềm vui lớn đến với ngành y tế trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, khi toàn bộ 16 bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị thành công. Nhưng không nhiều người biết rằng, còn có một thành công thứ hai phía sau việc điều trị cho người bệnh, tuy lặng lẽ nhưng không kém phần ý nghĩa để có thêm những mạng sống quý giá được giữ lại.
Giám sát nhiễm khuẩn tại Khoa điều trị tích cực Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: VGP/Thuý Hà |
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS.BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Phòng ngừa và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương – nơi đã điều trị thành công cho bé 3 tháng tuổi mắc COVID-19.
Thưa bác sĩ, ông có thể chia sẻ với độc giả về công việc hàng ngày của một bác sĩ chuyên ngành kiểm soát nhiễm khuẩn?
TS.BS Lê Kiến Ngãi: Kiểm soát nhiễm khuẩn là một chuyên ngành mà trên thế giới đã có từ lâu, nhưng ở Việt Nam bắt đầu quan tâm từ năm 1997. Đặc thù của kiểm soát nhiễm khuẩn tác động đến tất cả các chuyên môn khác trong bệnh viện. Kiểm soát nhiễm khuẩn chính là phòng ngừa, dự phòng các nhiễm khuẩn và sự lây truyền các tác nhân trong môi trường bệnh viện.
Không có phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn tốt thì nhiễm khuẩn bệnh viện sẽ xảy ra và là lý do dẫn đến nhiều nguy cơ khác đối với người bệnh như nằm viện lâu, chi phí tăng, kháng kháng sinh, quá tải bệnh viện... và cả nguy cơ tử vong cao.
Chính vì vậy, việc phòng ngừa nhiễm khuẩn trong bệnh viện rất quan trọng. Trên cơ sở hướng dẫn chung của Bộ Y tế, mỗi bệnh viện đều phải xây dựng các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện như sắp xếp bệnh nhân, cách đeo găng, cách mặc hoặc cởi bỏ quần áo phòng hộ… (thường gọi là phòng ngừa chuẩn) và cụ thể hơn là các quy trình chuyên môn kỹ thuật kiểm soát nhiễm khuẩn trong khi thực hiện các thủ thuật như đặt nội khí quản, đặt đường truyền… …Tất cả đều phải có quy trình và hướng dẫn cụ thể để các khoa, phòng trong bệnh viện thực hiện, đồng thời phải giám sát việc thực hiện đó. Sau khi giám sát thì phải cập nhật hoặc thay đổi những hướng dẫn không còn phù hợp.
Kiểm soát nhiễm khuẩn cũng chính là đảm bảo môi trường trong bệnh viện sạch sẽ, an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế, và có thể phòng ngừa bệnh chủ động bằng tiêm vaccine.
Đó là những công việc rất âm thầm của những thầy thuốc chuyên ngành kiểm soát nhiễm khuẩn.
Thưa ông, quá trình điều trị cho trẻ 3 tháng tuổi mắc COVID-19 vừa qua có gì đặc biệt khi trẻ còn quá nhỏ, sức đề kháng chưa cao?
TS.BS Lê Kiến Ngãi: Vai trò của người kiểm soát nhiễm khuẩn là phải luôn song hành ngay cạnh bác sĩ điều trị để đảm bảo môi trường an toàn, không lây lan dịch bệnh trong môi trường bệnh viện.
Đối với trường hợp trẻ 3 tháng tuổi vừa rồi, Bệnh viện Nhi Trung ương nói chung và khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn nói riêng hoàn toàn chủ động các biện pháp dự phòng ngay từ khâu chuẩn bị đón tiếp bệnh nhân cho đến việc chuẩn bị phòng điều trị, chuẩn bị các phương tiện sử dụng khi có bệnh nhân đến, hướng dẫn các cán bộ y tế, nhân viên được giao nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân các biện pháp phòng hộ và cách sử dụng phương tiện phòng hộ, nếu chỉ cần mặc hay tháo không đúng theo quy trình thì nguy cơ lây nhiễm bệnh cũng rất cao, tập huấn và hướng cách ly bệnh nhân cho tất cả các nhân viên y tế…
Trong khi các thầy thuốc lâm sàng lo lắng theo dõi bệnh nhân sao cho sát để kịp thời điều chỉnh theo mọi diễn biến, thì những người làm kiểm soát nhiễm khuẩn lo lắng làm sao để mẹ cháu bé không bị nhiễm bệnh, các bệnh nhân khác không bị lây nhiễm và các đồng nghiệp được an toàn. Trong chống dịch thì an toàn cho người người cán bộ y tế chính là động lực tinh thần lớn lao.
Đối với cháu bé mắc COVID-19 vừa rồi, do cháu còn quá nhỏ nên không dùng được các phương tiện phòng hộ (đeo khẩu trang) nên nguy cơ thải tác nhân gây bệnh ra môi trường rất lớn, rất khó khăn trong việc ngăn nguồn lây. Một số hành động của trẻ như ho, nôn, trớ… đều có thể làm tăng thải virus ra môi trường.
Với nguy cơ cao thải ra tác nhân gây bệnh từ trẻ, tại sao mẹ và các nhân viên y tế chăm sóc trực tiếp cho trẻ lại không bị lây bệnh, thưa ông?
TS.BS Lê Kiến Ngãi: Rất may, chúng tôi có phòng áp lực âm tiêu chuẩn (dùng cho phòng mổ đặc biệt cách ly và nhiễm). Phương tiện, dụng cụ, kiến thức thực hành phòng ngừa được chuẩn bị kỹ lưỡng và tuân thủ tốt nên khi cháu bé khỏi bệnh, người mẹ cũng không bị lây bệnh và tất cả nhân viên y tế đều an toàn.
Có thể sức đề kháng của người mẹ và những nhân viên y tế chăm sóc trực tiếp cho trẻ rất tốt nên không bị lây bệnh, nhưng điều quan trọng hơn, đó chính là họ được hướng dẫn và tuân thủ nghiêm ngặt các bước phòng hộ nên tỷ lệ an toàn cao hơn rất nhiều.
Trong trường hợp này, các thầy thuốc cũng rất quan tâm đến sự an toàn của người mẹ, vì bé mới 3 tháng tuổi, phải có người chăm sóc hàng ngày. Vì vậy các nhân viên y tế cũng đã hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách chăm con, từ rửa tay thường xuyên, đúng cách đến sử dụng các phương tiện phòng hộ, cách xử lý sau khi tiếp xúc với các bề mặt vật dụng, môi trường xung quanh ý như thế nào…. Tất cả đều là việc của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, đồng hành cùng các bác sĩ truyền nhiễm trực tiếp điều trị cho bệnh nhân.
Khi bệnh nhân được xuất viện, mọi người đều an toàn, đó là niềm vui của những thầy thuốc phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, là thành công thứ 2 sau thành công điều trị cho trẻ.
Công việc lặng lẽ và niềm vui 'sau sân khấu'
Khi tiếp nhận ca bệnh COVID-19 nhỏ tuổi nhất và chưa có tiền lệ trước, liệu có bối rối gì không, thưa bác sỹ?
TS.BS Lê Kiến Ngãi: Đây là ca nhỏ tuổi nhất trong số các bệnh nhân mắc COVID-19 được mô tả cho đến thời điểm cháu nhập viện, kể cả các bệnh nhân ở Trung Quốc. Mọi bất thường có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thêm vào đó (như đã nói) cháu không thể tự mang phương tiện phòng hộ nên khó kiểm soát việc thải virus ra ngoài. Tuy nhiên, tất cả các tình huống đều đã được Ban chuyên môn phòng chống dịch của Bện viện định liệu trước. Chúng tôi chuẩn bị kỹ và sẵn sàng tiếp nhận điều trị cháu bé.
TS.BS Lê Kiến Ngãi. Ảnh:VGP/Thuý Hà |
Bệnh viện cũng đã nhận định, cháu bé phải được chăm sóc rất nhiều, bên cạnh việc mẹ chăm sóc hàng ngày, nhân viên y tế cũng phải để ý thường xuyên để hướng dẫn mẹ chăm sóc con, chính vì vậy mật độ ra vào phòng cách ly cũng rất nhiều. Đây cũng là một khó khăn cho công tác phòng ngừa lây nhiễm.
Trước đó, trong thời gian ngay trước và sau Tết Nguyên đán (đêm mùng 2 Tết), chúng tôi cũng đã tiếp nhận và thực hiện chăm sóc, cách ly 2 lần đối với 2 bệnh nhân nghi mắc bệnh COVID-19. Hai bệnh nhân nghi mắc bệnh này cũng phải được quản lý giống hệt người mắc bệnh.
Có lẽ chính từ những ca bệnh này, chúng tôi đã được tập dượt kỹ càng về công tác chuẩn bị, các hướng dẫn quy trình cách ly, chăm sóc, điều trị bệnh nhân nên đến khi tiếp nhận cháu bé 3 tháng này thì các bác sĩ và cả hệ thống bệnh viện vận hành rất trôi chảy và không có gì khó khăn.
Với 15 năm kinh nghiệm làm trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, ông nghĩ sao trước tình hình một số nước trên thế giới gia tăng các ca tử vong do mắc COVID-19, trong đó có không ít các bác sĩ?
TS.BS Lê Kiến Ngãi: Có thể do dịch bệnh diễn ra bất ngờ, số mắc của họ quá đông, nên mọi sự đáp ứng đều ngoài tầm kiểm soát. Nhân viên y tế phải làm việc liên tục thông ngày, họ quá mệt mỏi, dẫn đến việc không thể tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiếp đón, cách ly bệnh nhân hoặc các bước dự phòng.
Với trường hợp trẻ 3 tháng tuổi vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã cân nhắc nhiều phương án bố trí nguồn lực chăm sóc, điều trị ca bệnh. Ban đầu, phương án điều trị cho bé sẽ có 1 ekip làm việc liên tục trong buồng cách ly và cách ly luôn với gia đình họ. Nhưng nếu ekip đó làm việc liên tục, họ sẽ mệt mỏi, thiếu tỉnh táo và sai sót có thể xảy ra, vì chúng ta đều là con người, không phải máy móc.
Chính vì vậy, Bệnh viện đã lựa chọn phương án có 2 ekip thay nhau chăm sóc và điều trị cho trẻ, để làm sao anh em nhân viên y tế ra vào phòng cách ly phải tỉnh táo nhất và phải tuân thủ nghiêm vấn để kiểm soát nhiễm khuẩn, khi đó độ an toàn sẽ rất cao.
Ông có thể chia sẻ đôi chút về những tâm đắc và trăn trở của người bác sĩ kiểm soát nhiễm khuẩn nói riêng và của cả đội ngũ những người đã âm thầm đứng đằng sau thành công của mỗi ca bệnh?
TS.BS Lê Kiến Ngãi: Trước đây công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện ở nước ta còn ít được quan tâm. Từ năm 1997, Bộ Y tế ban hành quy chế bệnh viện, trong đó lần đầu chính thức nói đến quy chế chống nhiễm khuẩn (phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn ngày nay). Sau đó, trong hơn 10 năm trở lại đây, các chính sách quốc gia, các thông tư, hướng dẫn về kiểm soát nhiễm khuẩn đã được ban hành. Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm cũng đề cập đến công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Từ đó, hoạt động phòng ngừa và kiểm soát nhiễn khuẩn trong bệnh viện đã được quan tâm và cả đầu tư nhiều hơn.
Tuy nhiên, chuyên ngành kiểm soát nhiễm khuẩn vẫn không phải là một chuyên ngành thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Sinh viên mới ra trường, cán bộ trẻ không thấy “oai” khi đến với kiểm soát nhiễm khuẩn, vì thế họ rất ít lựa chọn. Trong các nhà trường khối ngành sức khỏe cũng chưa có chương trình đào tạo đặc thù cho chuyên khoa phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn.
Xã hội thường quan tâm đến những người đứng dưới ánh đèn, mà ít quan tâm đến người đứng sau sân khấu. Thế nhưng, chẳng may có sự cố, họ lại là những người được nêu đến đầu tiên. Thầy thuốc phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn chúng tôi có được niềm vui khi thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện giảm xuống hay kiểm soát được sự lây truyền…, có nghĩa là có thêm những mạng sống được giữ lại.
Điều đó cũng có nghĩa là, khi chúng ta cùng nghĩ về một mục tiêu, khi người bệnh đến viện với mong muốn duy nhất của họ là khỏi bệnh và an toàn ra viện, thì cho dù làm việc gì, ở vị trí nào mà đóng góp được cho mục tiêu cao cả đó, thì đều có quyền tự hào. Cũng như trong một đội bóng, dù chơi ở vị trí nào, là tiền đạo lĩnh trách nhiệm ghi bàn hay là thủ môn phải giữ sạch lưới thì đều có mục tiêu chung là giành chiến thắng.
Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Thúy Hà (thực hiện)
Nguồn:http://baochinhphu.vn/Chong-dich-nhu-chong-giac/Thanh-cong-thu-hai-sau-chien-thang-COVID19-cua-be-3-thang-tuoi/388526.vgp